Vân vân (v.v.) và chấm lửng (…)

Thứ năm - 21/04/2016 07:51
          Vân vân (v.v.) thì ai cũng dùng, trong bất cứ thể văn nào, nhưng hình như mỗi người hiểu một cách, cho nên cách dùng cũng không hoàn toàn giống nhau. Điều này lộ rõ nhất là ở cách chấm câu sau hai chữ vân vân hay v.v. Một số khá đông tác giả, nhất là khi viết báo, có thói quen viết “v.v…” hay “vân vân…” trong mọi trường hợp, nghĩa là sau hai chữ ấy bao giờ cũng có ba chấm (chấm lửng). Cũng có nhiều người thay hẳn v.v. bằng ba chấm, nhất là sau một “danh sách” gồm hai từ trở lên.
Sử dụng trong sáng cùng Tiếng việt
Sử dụng trong sáng cùng Tiếng việt

          Vậy vân vân (v.v.) nghĩa là gì, và ba chấm lửng nghĩa là gì ? Những quy tắc chi phối cách dùng hai yếu tố này có thể được trình bày ra sao ?

          Hình như mọi người nhất trí về nghĩa và cách dùng của vân vân: đó chính là nghĩa và cách dùng của etc. (et caetera), et al. (et alii), and so on, and the like, i tak dalee, i tomu podobnọe, i drugịe, đẳng, đẳng đẳng, chư như thử loại, v.v. trong các thứ tiếng gần gũi nhất với sinh hoạt văn hoá của ta. Những từ ngữ này có nghĩa là “và những thứ khác”, “và những việc khác”, “và những người khác”, “và những thứ tương tự”, ” và những người tương tự”, “và những việc tương tự”, “và cứ thế mà tiếp”, v.v. Trong tất cả các bản dịch từ ngoại văn ra tiếng Việt, ta đều thấy có sự tương ứng hoàn toàn như vậy, không trừ một trường hợp nào.

          Những từ ngữ ngoại quốc nói trên, cũng như vân vân trong tiếng Việt, do chính ý nghĩa từ vựng và công dụng của nó, đều được dùng như một ngữ đoạn bình thường có quan hệ đẳng kết (kết hợp đẳng lập) với các ngữ đoạn đi trước, và sau đó có thể có bất cứ thứ dấu chấm câu gì (phẩy, chấm phẩy, chấm, hai chấm, chấm hỏi, chấm than, gạch ngang) hoặc tiếp tục câu không có chỗ ngưng nghỉ, nghĩa là không có dấu chấm câu gì hết. Trong tất cả các thứ tiếng nước ngoài mà ta biết rõ, tình hình đều như thế. Vậy thì tại sao chỉ riêng trong tiếng Việt có một cách xử lý khác như đã nói trên?

          Có hai nguyên nhân chính: một là nghĩa của hai chữ vân vân không rõ lắm; hai là khi viết tắt là v.v. mà sau đó lại có một dấu chấm hết câu (v.v..), nhiều người đếm nhầm thanh hai dấu chấm ấy thành ba, nghĩa là thành một dấu chấm lửng.

          Vậy thiết tưởng các tác giả cũng nên chỉnh lý lại một chút cách dùng chấm câu sau khi dùng vân vân hay v.v. Chúng tôi xin lấy một vài câu có dùng v.v. để minh hoạ cho những cách dùng v.v. và chấm câu đúng chuẩn.

a. Ai đã phát minh ra những khí cụ ghi âm như băng từ, thanh phổ ký, v.v.?

b. Mọi người: Thầy Nam, thầy Bình, cô Thi, v.v. đều tán thành .

c. Rất, hơi có thể kết hợp với những vị từ như yêu, thương, buồn, giận, v.v.

d. Phải gọi cả Minh, Định, Thành, v.v. đến dự nhé!

e. Không thể thiếu tổ 4 – Minh, Định, Thành, v.v.: họ phải làm chứng chứ!

g. Muốn thế cần gì phải học ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa, vân vân và vân vân?

h. Nó đi chợ mua thịt bò, rau cần, v.v. về để làm món xào.

          Còn như dấu chấm lửng ( “…” ), thì ý nghĩa không phải như vậy. Nó đánh dấu một chỗ ngừng của người nói, cho biết rằng câu nói chưa hết (vì bị ngắt lời chẳng hạn), hoặc khi có sự phân vân hay ngần ngại khiến cho người nói thấy khó nói hết câu. Chẳng hạn:

a. – Này! Tôi cho anh biết một chuyện bí mật của cô…

– Thôi đi, tôi không nghe đâu!

b. – Anh mà cũng thế thì thật là…

          Nếu “người nói” chính là tác giả (tức thật ra là người viết) thì đó có thể là một biện pháp tu từ có dụng ý, thường dùng trước khi “hạ một đòn” mà người viết cho là có sức gây ấn tượng mạnh (ngạc nhiên, thán phục, v.v.). Chẳng hạn:

Tính thành ngữ không thể dùng để chứng minh một cụm từ là một từ. Vì “tính thành ngữ” là đặc trưng của… thành ngữ, và thành ngữ bao giờ cũng gồm hai từ trở lên.

          Dấu chấm lửng (…) không thể dùng sau (v.v.) nếu không muốn nói rằng câu chưa kết thúc, cũng ko thể thay cho v.v. để nói rằng “còn có những thứ/những việc/ những người khác nữa”.

Tác giả: Cao Xuân Hạo
Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống 1 (51) 2000
Sách Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (NXB Trẻ, 2001)

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Truyền hình giáo dục
Văn bản mới

1360/PGDĐT

Ngày ban hành: 13/08/2024. Trích yếu: Triển khai hồ sơ cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Ngày ban hành: 13/08/2024

1080/PGDĐT

Ngày ban hành: 18/07/2024. Trích yếu: Triển khai hồ sơ chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở

Ngày ban hành: 18/07/2024

299/PGDĐT

Ngày ban hành: 11/03/2024. Trích yếu: Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

162/PGDĐT

Ngày ban hành: 31/01/2024. Trích yếu: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

293/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 08/03/2024. Trích yếu: Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

Thăm dò ý kiến

Học sinh có những điều kiện nào phục vụ việc học qua Internet?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,175
  • Tháng hiện tại14,504
  • Tổng lượt truy cập1,856,659
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây